Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy như thế nào là đúng cách?

Giao mùa là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh. Một trong số những căn bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ trong mùa mưa là tiêu chảy. Không phải cha mẹ nào cũng biết cách chăm sóc đúng khi con bị tiêu chảy. Chúng ta cùng điểm danh những sai lầm phổ biến của cha mẹ nhé.

Bé bị tiêu chảy


Những triệu chứng của bệnh tiêu chảy:

  • Triệu chứng điển hình nhất của tiêu chảy là việc đi ngoài nhiều lần (từ 3 lần/ngày trở lên). Đối với trẻ nhỏ, chỉ cần bé đi phân lỏng, có hạt, có nhầy, thay đổi màu sắc nghĩa là bé đã bị tiêu chảy.
  • Bé tiêu chảy thường kèm theo chướng hơi, đau bụng (đau lâm râm hoặc quặn từng cơn), ói, sốt li bì, mệt mỏi do mất nước. Chìa khóa của việc điều trị tiêu chảy là phải bù nước và điện giải để tránh mất nước quá nhiều (trẻ bị mất nước quá nhiều có thể bị kiệt nước, tử vong). Bên cạnh đó, trong thời gian bị tiêu chảy bé thường đầy bụng, mệt mỏi, chán ăn. Cha mẹ cần bổ sung dinh dưỡng cho bé, tránh tình trạng chán ăn gây mệt lả, suy kiệt.

Vì sao trẻ bị tiêu chảy?

Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em, những nguyên nhân phổ biến nhất là:

  • Do rotavirus, đây là nguyên nhân phổ biến nhất
  • Do vi khuẩn: Các nhóm vi khuẩn gây tiêu chảy thường gặp là: tả, lị, thương hàn, trực khuẩn, E.colo, Salmonella.
  • Ngộ độc thực phẩm do ôi thiu, nấm mốc…
  • Uống nước lã

Bé bị tiêu chảy, mẹ cần chăm sóc như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, chìa khóa vàng trong chăm sóc trẻ tiêu chảy chính là bù nước và điện giải (tránh mất nước qua nhiều gây suy kiệt, tử vong) đồng thời bồi bổ cho bé, tránh mệt lả do chán ăn.

  • Bù nước:

Tiêu chảy gây mất nước kéo dài. Việc mất nước kéo dài gây rối loạn điện giải, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Việc bổ sung nước và điện giải cần được thực hiện ngay bằng cách uống Oresol. Oresol là dung dịch bù điện giải giúp bé bù nước và các chất điện giải đã mất. Cần sử dụng đúng theo hướng dẫn ghi trên gói Oresol cũng như chỉ định của bác sĩ.

  • Không tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy:

Rotavirus chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy ở em bé. Đường ruột bị tấn công, đi ngoài liên tục chính là phản ứng của cơ thể giúp đẩy hết chất độc và vi trùng ra ngoài. Việc sử dụng thuốc cầm tiêu chảy (giảm nhu động ruột) làm phân ứ đọng trong cơ thể, vi khuẩn và chất độc không thể thải ra. Phân ứ đọng gây chướng bụng, viêm ruột, tắc và thủng ruột dẫn đến tử vong.

Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?

Trong thời gian bị tiêu chảy, bé rất mệt mỏi và chán ăn. Cha mẹ nên cho con ăn những món dễ ăn, dễ tiêu, mềm như cháo, súp, sữa. Cho con ăn từng muỗng nhỏ, có thể chia thành nhiều bữa, mỗi bữa cách nhau 2 giờ. Nên cho bé ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.

Nếu bé dưới 6 tháng đang ăn sữa mẹ hoàn toàn, hãy cho bé bú càng nhiều càng tốt, việc này giúp bé đủ dinh dưỡng và đủ nước. Nếu có dùng sữa công thức, vẫn pha theo công thức cũ và không được pha thêm nước.

Với bé lớn, nên cho bé ăn thêm canh, cháo, sữa các loại, nước ép trái cây nguyên chất không đường. Nên tránh các loại nước có ga và các loại trái cây quá ngọt vì có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy, cần tránh những điều gì?

Không phải cha mẹ nào cũng biết chăm trẻ đúng cách, nhất là khi có quá nhiều các loại kinh nghiệm truyền miệng phản khoa học. Sau đây, chúng tôi xin điểm danh những hiểu nhầm tai hại khi chăm con tiêu chảy:

  • Cho bé uống ít nước hoặc không cho uống nước: Đây là kinh nghiệm hết sức tai hại. Tiêu chảy chính là phản ứng của cơ thể nhằm thải hồi các loại chất độc và vi khuẩn khỏi cơ thể. Việc không uống nước không thể làm giảm tình trạng tiêu chảy nhưng lại làm cơ thể suy kiệt do mất nước. Cần cho bé ăn uống như bình thường và bù nước, điện giải.
  • Đổi ngay sữa công thức đang dùng: Lại sai tiếp. Tiêu chảy có nhiều nguyên nhân, không phải lúc nào cũng là do sữa công thức. Nếu bé bị tiêu chảy rõ rệt sau mỗi lần bú, quanh miệng nổi nhiều mẩn đỏ, cha mẹ nên cho bé đi bệnh viện kiểm tra vì có thể bé không dung nạp lactose hoặc có cơ địa dị ứng đạm sữa bò. Việc đổi sữa nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
  • Chế độ dinh dưỡng sai lầm: thức ăn quá cứng, kém hấp dẫn có thể làm bé khó chịu không muốn ăn. Một số gia đình chỉ cho con ăn cháo trắng với muối vì cho rằng cháo trắng muối là dễ tiêu nhất, đây là quan niệm sai, cha mẹ vẫn nên cho con ăn đầy đủ, bổ sung điện giải.
  • Đổ lỗi cho người mẹ: Người mẹ thường xuyên bị đổ lỗi “ăn bậy” khiến trẻ bị tiêu chảy. Đây là quan niệm thiếu khoa học, việc chuyển hóa từ thức ăn của mẹ thành sữa trải qua nhiều giai đoạn với một bộ máy tuyệt vời là cơ thể mẹ, dù cho mẹ ăn gì. Không có việc mẹ ăn chất tanh, rau củ… làm bé đi ngoài. Thay vào đó, hãy giữ vệ sinh cho trẻ.
  • Tự ý uống thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy: sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét