Bé bị sởi, mẹ đã biết chăm sóc đúng cách?

Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở thời điểm giao mùa. Nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng sau sởi, có thể nguy hiểm đến tính mạng

 Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở thời điểm giao mùa. Nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng sau sởi, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Hôm nay, PGS – TS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai sẽ đưa ra cho bạn các nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí khi trẻ mắc sởi.

Bệnh sởi do virus ARN thuộc chi Morbillillin nằm trong họ Paramyxoviridae gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, virus ARN chỉ gây bệnh ở con người. Bản thân sởi là bệnh lành tính, chỉ gây biến chứng trong một số trường hợp. Bệnh lây qua đường hô hấp, chỉ một cú hắt hơi, vi khuẩn đã bay tứ tung trong không khí.

Trẻ em thường là đối tượng đầu tiên nhiễm sởi do hàng rào miễn dịch còn yếu, thậm chí một số trẻ còn chưa được tiêm vaccin phòng sởi. Sởi không biến chứng thường không nguy hiểm, vì vậy cha mẹ không nên quá hoang mang, chỉ cần điều trị kịp thời và đúng phác đồ của bác sĩ.

Bệnh sởi ở trẻ em


1. Những dấu hiệu nhiễm sởi ở em bé:

Thời gian ủ bệnh của bệnh sởi kéo dài từ 1 đến 3 tuần ( 7 đến 21 ngày). Trong thời gian ủ bệnh, bé vẫn ăn ngoan ngủ ngoan và sinh hoạt hoàn toàn bình thường, không có bất cứ triệu chứng gì khác lạ. Hết giai đoạn ủ bệnh, bé có thể có nhiều triệu chứng sau đây:

  • Triệu chứng đầu tiên của bệnh sởi là bé bắt đầu sốt và sốt cao rất nhanh (trên 39 độ và kéo dài)
  • Bé đau rát họng, ho khan (chỉ ho không có đờm), chảy nước mũi, ngạt mũi.
  • Bé bị đau mắt, mắt đỏ, sưng nề mi, chảy nước mắt và dày cộm mắt.
  • Sau 2-3 ngày kể từ khi bị sốt, những đốn koplik bắt đầu xuất hiện, đây là các hạt màu trắng xanh xuất hiện trên niêm mạc miệng, đối diện với răng hàm, những đốm koplik này thường duy trì đến ngày thứ 6. Đốm koplik là căn cứ duy nhất để phân biệt bệnh nhân sởi với bệnh nhân mắc cúm thông thường, do triệu chứng của cúm và sởi gần như giống hệt nhau, chỉ khác nhau ở đốm koplik.


2. Giai đoạn phát ban:

Khi các triệu chứng trên kéo dài được 3-5 ngày, bé bắt đầu bị phát ban. Những đốm nhỏ, bằng phẳng xuất hiện. Ban đầu, các đốm ban nhỏ này chỉ xuất hiện ở vùng mặt, sau đó, chúng lan dần xuống cổ, thân, ngực, tay, chân và toàn thân.

Thời điểm bị phát ban, con sốt rất cao (có thể sốt 40 độ hoặc hơn), cha mẹ cần theo dõi để phòng ngừa nguy cơ co giật, gây nguy hiểm đến tính mạng bé. Tuyệt đối không tự điều trị sởi tại nhà bằng các loại lá hoặc thuốc nam, phải đi đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị.

 3. Sởi khác sốt phát ban ở chỗ nào?

  • Thứ nhất, nốt ban sởi lan từ sau tai ra mặt, cổ, ngực, sau đó chúng lan dần xuống chân, tay, lưng, bụng, toàn thân. Nốt ban của sốt phát ban ngay lập tức phủ toàn thân bé.
  • Thứ hai, nếu bé mắc sởi thì vào ngày thứ 2 sau khi sốt cao, bé có biểu hiện viêm kết mạc, mắt đỏ, ghèn mắt nhiều, mi cộm sưng.
  • Thứ ba, bé mắc sởi sẽ có những triệu chứng giống cúm như hắt hơi, sổ mũi, ho khan do viêm đường hô hấp. Nếu bé bị sốt phát ban, bé không bị ho do không bị viêm đường hô hấp, cũng không có triệu chứng viêm kết mạc, đau mắt, đỏ mắt hoặc đổ ghèn rỉ mắt.
  • Bé bị sởi sẽ nổi ban khi gần hết bệnh, còn sốt phát ban thông thường thì nốt ban nổi đồng loạt phủ toàn thân, sau đó khi giảm sốt, ban sẽ lặn hết rất nhanh

4. Sởi khác cúm thông thường ở chỗ nào?

Sau 2-3 ngày kể từ khi bị sốt, những đốn koplik bắt đầu xuất hiện, đây là các hạt màu trắng xanh xuất hiện trên niêm mạc miệng, đối diện với răng hàm, những đốm koplik này thường duy trì đến ngày thứ 6. Đốm koplik là căn cứ duy nhất để phân biệt bệnh nhân sởi với bệnh nhân mắc cúm thông thường, do triệu chứng của cúm và sởi gần như giống hệt nhau, chỉ khác nhau ở đốm koplik.

 5. Nếu bị sởi thì phải làm sao?

Bệnh sởi hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho trẻ em. Việc bạn cần làm là tăng cường sức khỏe, vệ sinh cá nhân cho bé và điều chỉnh chế độ ăn hợp lý.

  • Hạ sốt: cho bé uống paracetamol liều 10-15mg/kg thể trạng/6h khi bé số trên 38.5 độ.
  • Giữ vệ sinh phòng ốc, phòng phải sáng, thoáng cho bé nghỉ ngơi.
  • Đánh răng rửa mặt và lau toàn thân bé hàng ngày. Tuyệt đối không kiêng nước, kiêng gió, đây là những quan điểm lạc hậu và sai lầm.
  • Cho bé ăn cháo và các thức ăn dễ tiêu, tốt nhất là dạng lỏng. Đặc biệt cần tăng cường vitamin A cho bé.
  • Rửa mắt mũi bé bằng nước muối sinh lý 3 – 4 lần/ngày
  • Cho bé uống nhiều nước, bổ sung điện giải bằng orezol trong trường hợp bé bị tiêu chảy, cho bé uống nước trái cây nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng
  • Khi bé có các triệu chứng bất thường như tiêu chảy, khó thở, sốt cao kéo dài, co giật, nằm ngủ li bì, cha mẹ cần đưa con ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không được chữa mẹo, chữa bằng thuốc nam. Rất nhiều bệnh nhân chữa mẹo, chữa bằng thuốc nam đã gặp phải các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong
  • Điều quan trọng nhất trong phòng ngừa và điều trị sởi là cha mẹ hãy cho con đi tiêm phòng đầy đủ (vaccin sởi đơn hoặc sởi – quai bị - rubella). Việc tiêm phòng giúp con tránh nguy cơ nhiễm bệnh, nếu chẳng may có nhiễm, việc điều trị cũng đơn giản và đỡ tốn kém hơn rất nhiều, tránh những hậu quả không đáng có

Đăng nhận xét

0 Nhận xét