Bác sĩ sản khoa hướng dẫn cách trị tắc sữa an toàn và hiệu quả

Tắc sữa là nỗi ám ảnh của tất cả phụ nữ sau sinh, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm vú, áp xe rất nguy hiểm. Hôm nay, bác sĩ Phạm Thị Hà, khoa sản BV Hoàn Mỹ Đồng Nai sẽ hướng dẫn cho chúng ta cách trị tắc sữa an toàn và hiệu quả nhé

Vì sao bạn bị tắc sữa?

Tắc sữa là tình trạng ống dẫn sữa bị tắc nghẽn do sữa lưu thông không tốt, sữa bị tích tụ phía sau điểm nghẽn làm tăng áp lực lên ống dẫn sữa, dẫn đến tình trạng đau nhức ở bầu vú, thậm chí có thể hình thành những cục áp xe phía trong bầu vú.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc sữa, việc chẩn đoán nguyên nhân gây tắc sữa phải thông qua thăm khám trực tiếp từng bệnh nhân. Tuy nhiên, điểm chung của hầu hết tất cả các ca tắc sữa là tình trạng sữa lưu thông kém, lâu ngày dẫn đến tắc ống dẫn sữa hoặc áp xe.

Dấu hiệu tắc sữa

Việc sữa lưu thông kém gây tắc tia sữa dần dần. Trong bầu vú mẹ xuất hiện những cục u mềm nhỏ (chính là sữa ứ đọng phía sau các điểm nghẽn trong ống dẫn sữa làm ống dẫn sữa bị phồng lên), có thể xuất hiện những vết rộp màu trắng trên đầu vú mẹ, khi đụng vào có cảm giác đau rát vô cùng khó chịu.

Sữa lưu thông kém làm tốc độ dòng chảy của sữa chậm lại đáng kể, bé có thể quấy khóc khi bú do sữa xuống chậm. Tình trạng nặng hơn, sữa có thể có màu vàng (do lẫn mủ từ các ổ sưng trong ống dẫn sữa) hoặc thậm chí là có máu lẫn vào sữa (do vỡ ống dẫn sữa gây chảy máu)

Chữa tắc tia sữa


Tắc sữa đến mức nào thì bạn phải tới bác sĩ?

Tắc sữa là tình trạng rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh, hầu như ai cũng gặp đôi lần. Tuy nhiên, nếu không được khắc phục kịp thời, tắc sữa có thể dẫn đến viêm vú, áp xe. Bạn cần đến bác sĩ ngay nếu gặp phải các dấu hiệu sau đây vì có thể bạn đã bị nhiễm trùng:

  • Sốt trên 38.5 độ
  • Nhức đầu, ớn lạnh, toàn thân nhức mỏi đau đớn.
  • Có cảm giác vú sưng, nóng, nặng trĩu.
  • Những cục u tắc sữa to và cứng dần phía trong bầu vú.
  • Cảm giác đau đớn, bỏng rát khi cho con bú.
  • Viêm vú là bệnh rất dễ tái phát nếu không điều trị đến nơi đến chốn, hãy lưu ý vấn đề này. Nếu không giải quyết triệt để bạn có thể bị áp xe vú, phải phẫu thuật và dùng kháng sinh.

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ sản khoa gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng áp xe phải phẫu thuật dẫn lưu, dẫn đến đau đớn cho người mẹ và em bé không được bú mẹ trong thời gian này, thậm chí mất luôn sữa mẹ. Sữa mẹ luôn là món quà tuyệt vời nhất mẹ có thể dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Khi tắc sữa, bạn phải làm gì?

Hãy bình tĩnh kiểm tra, nếu bạn thấy sữa chảy ra từ vú mẹ có màu bất thường hoặc lẫn máu thì vú bạn đã bị viêm, không cho bé bú bên vú viêm đó nữa, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nếu sữa mẹ vẫn bình thường và cơ thể mẹ chưa có triệu chứng của việc bị viêm vú, mẹ hãy thực hiện các biện pháp sau:

  • Cho con bú bên vú bị tắc vào thời điểm bé đói nhất, bé sẽ có xu hướng mút mạnh nhất làm khơi thông dòng sữa.
  • Dùng vòi hoa sen xối nước ấm xung quanh bầu vú, sau đó massage nhẹ nhàng từ phía ngoài bầu vú vào phía núm vú
  • Thay đổi các tư thế cho con bú, việc bé mút từ nhiều vị trí khác nhau có thể giúp tác động lên các vị trí tắc, làm thông sữa

Nếu bạn được bác sĩ kê toa, hãy sử dụng hết toa thuốc, không nên bỏ giữa chừng, viêm vú không được giải quyết triệt để thường có xu hướng tái phát và trở nên nặng hơn, có thể tiến triển thành áp xe, rất nguy hiểm cho mẹ và bé.

 Làm thế nào để phòng tránh tắc sữa?

Hầu như người mẹ nào cũng sẽ có đôi lần gặp phải tình trạng tắc sữa, rất mệt mỏi và đau đớn. Vì vậy, mẹ hãy thực hiện những điều sau để phòng tránh tắc sữa:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
  • Cho con bú kiệt sữa, việc để sữa còn đọng lại trong bầu vú lâu ngày dẫn đến lưu thông sữa kém, gây tắc sữa.
  • Việc cặn sữa đọng lại ở đầu vú dẫn đến tắc tia, mẹ nên vệ sinh đầu vú sạch sẽ mỗi ngày (tốt nhất là khi tắm và sau khi con bú xong).
  • Tránh mặc áo ngực quá chật, chất liệu nóng bí hoặc có gọng chặt.
  • Mẹ nên uống đủ 3.5 lít nước mỗi ngày. Ngoài nhu cầu nước của cơ thể mẹ, mẹ còn mang “nhiệm vụ” tiết sữa nuôi con. Việc em bé bú kiệt sữa và cơ thể sản sinh sữa mới liên tục làm hệ thống ống dẫn được lưu thông tốt, trơn tru và sạch sẽ, hạn chế tình trạng tắc ống dẫn sữa.
  • Với những phụ nữ có cơ địa tắc sữa thường xuyên, nên tránh ăn các thực phẩm quá ngọt và nhiều chất béo như chân giò heo, thịt mỡ vì dòng sữa nhiều ngọt, béo dễ bị viêm tắc hơn bình thường. Thay vào đó, mẹ nên uống trà vằng, ăn lá bồ công anh, lá đinh lăng, đặc biệt uống nhiều nước ấm
  • Chọn máy hút sữa tốt, hút kiệt sữa mà không gây đau đớn cho mẹ. 

Hãy LIKE&SHARE ngay nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét