Cẩn trọng khi đi đốt laser để tránh xảy ra điều đáng tiếc

Để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra với ngoại hình của bản thân. Bạn cần cẩn trọn với những triệu chứng sau khi đốt laser
Đốt laser


Nấm đen lòng bàn tay

ThS. BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó Trưởng Khoa Thẩm Mỹ Da BV Da Liễu TP.HCM cho biết gần đây có nhiều trường hợp cha mẹ thấy trên lòng bàn tay của con xuất hiện các bớt đen đậm, liền mang đến các cơ sở thẩm mỹ để thực hiện xoá “nốt ruồi” bằng laser. Sau khi thực hiện xoá bằng laser nhiều lần, vết đen không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng lan rộng, đậm hơn và nặng hơn. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện đây là các mảng nấm đen lòng bàn tay, bàn chân. Nếu được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị kháng nấm phù hợp, chỉ mất khoảng 2 tuần, các mảng nấm biến mất, bé hoàn toàn khỏi bệnh.

Nấm đen lòng bàn tay là do nấm Hortae werneckii gây ra. Bệnh nhân xuất hiện những vệt sậm màu ở lòng bàn tay, có thể ở bàn chân, một số trường hợp cá biệt bị ở cả chân và tay. Bệnh nhân không có triệu chứng ngứa ngáy, rát, đau nhức hay bất cứ cảm giác bất thường nào ở vết nấm. chính vì thế, rất nhiều bậc phụ huynh tưởng nhầm đây là bớt sắc tố nên đến các cơ sở thẩm mỹ để xóa bớt. Không phải cơ sở thẩm mỹ nào cũng có bác sĩ thăm khám và điều trị, việc chẩn đoán và điều trị sai có thể làm thương tổn ở mảng nấm mạnh hơn, gây ra tình trạng nấm lây lan rộng.

Nấm đen lòng bàn tay không lây trực tiếp từ người sang người. Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm nấm đen là hiện tượng tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân làm bàn tay bàn chân bị ẩm ướt. Việc hàng rào bảo vệ da bị suy yếu do bệnh lý hoặc da bị trầy xước cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm nấm đen lòng bàn tay, bàn chân.

Nếu phát hiện các vết đen ở lòng bàn tay, bàn chân, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh tới các cơ sở thẩm mỹ không chuyên khoa để đốt laser sẽ làm da bị tổn thương, nấm đen sẽ lây lan mạnh hơn và tiến triển thành dạng mạn tính và không thể tự khỏi.


Bướu máu

Bướu máu là những mảng rất rõ rệt màu tím hoặc đỏ phồng lên dưới da, bề mặt bướu máu sần sùi nhưng bướu mềm, không gây cảm giác đau rát hay khó chịu cho trẻ ngoại trừ vấn đề thẩm mỹ. Bướu máu có thể nhỏ hoặc lớn, kích thước tối đa của bướu máu được ghi nhận là 20cm.

Bướu máu thường gặp ở đầu, ngực hoặc lưng, gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái. Bướu máu ở trẻ em thường xuất hiện sớm ngay từ sơ sinh hoặc những tháng đầu tiên, đến 18 tháng bướu sẽ nhạt dần và thường biến mất khi trẻ được 5 tuổi.

Hầu hết bướu máu không gây hại gì, trừ một số trường hợp cá biệt khi bướu máu quá lớn và chèn vào tai, mũi, họng, mắt gây khó khăn cho việc nghe, nhìn, thở hoặc bướu thường xuyên bị chảy máu.

Bướu máu nhỏ li ti thường được gọi là nốt ruồi son, một dạng quý tướng trong quan niệm của người Á Đông. Tuy nhiên, việc đốt laser bướu máu có thể gây chảy máu nhiều, bướu máu vẫn có thể tái phát sau đốt laser.

Việc điều trị nốt ruồi son/bướu máu phải được bác sĩ da liễu tự tay thực hiện. Bạn không nên đưa con đến điều trị các cơ sở thẩm mỹ không có chuyên môn, để tránh gặp những biến chứng không đáng có.

U hắc tố

U hắc tố là tình trạng tăng sinh đột biến các tế bào hắc tố (melanin) đến mức không thể kiểm soát, thường gặp ở độ tuổi ngoài 30.

U hắc tố bào có biểu hiện ban đầu như một nốt ruồi bình thường nhưng sẽ tiến triển, u lớn lên nhanh, gồ lên, có thể kèm theo ngứa rát, chảy máu hoặc đóng vảy. Các u này thường chỉ gặp trên da, hiếm khi xuất hiện trên niêm mạc: lưỡi, môi, vòm họng…

U hắc tố bào là dạng ung thư ác tính trên da, có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể, thường xuất hiện ở các vị trí bị nắng chiếu trên cơ thể (đôi khi vẫn gặp ở các vị trí không bao giờ bị nắng chiếu tới như gan bàn chân, bàn tay, kẽ ngấn…

Khi trên da xuất hiện các vết đen như nốt ruồi, không nên tự ý xóa chúng bằng các loại thuốc tự mua. Các loại thuốc chấm nốt ruồi được bán tràn lan trên thị trường hầu như chứa rất nhiều axit, làm tổn thương sâu làn da. Hầu hết các nốt ruồi trên cơ thể là lành tính, nhưng cũng có một số là ác tính. Những  nốt ruồi ác tính này khi bị tác động (châm, đốt điện, tẩy laser…) sẽ tiến triển rất nhanh và không thể lường trước. Việc phân biệt đâu là nốt ruồi ác tính cần phải thông qua thăm khám và xét nghiệm.

Trong những năm qua, các cơ sở y tế đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân  bị biến chứng sau các thủ thuật thẩm mỹ xóa nốt ruồi, laser, gây ra những hậu quả nặng nề về thẩm mỹ, sức khỏe. Khi có nhu cầu thẩm mỹ về da liễu, bạn hãy liên hệ với bác sĩ da liễu gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng không đáng có.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét