Tiếng khóc là ngôn ngữ giao tiếp duy nhất của trẻ sơ sinh. Đói, buồn ngủ, đau bụng, tã bẩn…bé đều khóc.
Phân biệt các loại tiếng khóc của em bé
- Đói bụng
Khi đói bụng, bé hay khóc, vừa khóc vừa mút ngón tay, chép miệng liên tục. Nếu đã bú xong mà chỉ một lát sau bé lại tiếp tục khóc và mút tay, đó là dấu hiệu bé chưa no bụng.
- Tã bẩn hoặc ướt
Khi tã bẩn hoặc ướt,bé khóc nhưng tiếng khóc không có gì bất thường, thỉnh thoảng hét to, có nước mắt. Cha mẹ hãy thay tã ngay cho bé để tránh hăm tã. Ban ngày, cha mẹ nên thay tã định kỳ 2,5-3h/lần bất kể bé có tè hay không.
- Buồn ngủ
Khi buồn ngủ, bé trở nên gắt gỏng, dụi mắt, gãi đầu, một số bé có thể búng chân hoặc gõ tay xuống giường liên tục hoặc mút tay. Tiếng khóc ban đầu nhỏ, sau đó to dần và kéo dài nếu bé vẫn không ngủ được. Cha mẹ nên ôm bé, dỗ dành một chút, bé sẽ ngưng khóc và chìm vào giấc ngủ.
- Muốn được bế
Khi muốn được bế, bé gào thét dữ dội, khóc không có nước mắt, chân tay khua khoắng, mắt liếc ngang liên tục.
- Bị đầy bụng, đau bụng
Bé bị đầy bụng thường quấy khóc sau khi bú, bé khóc liên tục nhiều giờ liền, khoảng 3 tiếng mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần và ít nhất 3 tuần liên tục.
Với trường hợp bé bị đầy hơi chướng bụng, cha mẹ có thể xử lý bằng cách cho con nằm ngửa, massage bụng bé theo chiều kim đồng hồ từ phía rốn ra ngoài thành bụng hoặc cho bé đạp chân theo vòng tròn như đạp xe đạp
- Cảm thấy quá nóng hay quá lạnh
Khi bị lạnh hoặc nóng, bé sẽ khóc, nếu bị lạnh bé sẽ khóc dữ dội hơn bị nóng. Cha mẹ cần kiểm tra quần áo bé và nhiệt độ môi trường. Nếu quần áo không phù hợp, bé thường phản ứng ngay sau khi bố mẹ thay quần áo hoặc tắm xong cho bé.
- Quá sợ hãi
Bóng tối, tiếng động lớn, ánh sáng chói mắt, động vật, người lạ… đều có thể làm bé khóc.
- Vì mọc răng.
Khi mọc răng, trẻ luôn có cảm giác đau đớn và quấy khóc nhiều. Do đó cha mẹ cần biết để xử lý hoảng sợ khóc lớn, tay chân khua khoắng liên tục.
Giai đoạn mọc răng: Mọc răng khiến bé đau, ngứa nướu. Nếu thấy nướu sưng, nứt, mầm răng nhú lên, con thường lấy tay sờ vào nướu, gặm đồ đạc, cắn cha mẹ thì khả năng lớn là bé đang khó chịu cho mọc răng.Các biểu hiện bệnh lý nguy hiểm:
- Trẻ lồng ruột thường khóc thét từng cơn, kèm nôn mửa
- Trẻ bị bị viêm ruột,rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng do giun thường khóc thét đều đều, đổ mồ hôi, mặt trắng bệch, tiêu chảy, không cho ai đụng vào bụng.
- Trẻ bị viêm amidan thường khóc liên tục về đêm, sốt, bỏ ăn, khản tiếng.
- Trẻ bị cảm cúm khóc đều đều, khó chịu quậy phá, dỗ không nín, ngạt mũi, chảy mũi
- Trẻ có bệnh tim thường khóc ngặt tới tím tái mặt mày, dỗ không nín.
- Trẻ viêm phổi khóc yếu ớt, thở khò khè
- Trẻ bị viêm tai giữa hoặc khó chịu ở ống tai khóc dai dẳng, lắc đầu bứt tai liên tục, trẻ viêm tai giữa kèm theo sốt.
- Trẻ mắc giun kim thường khóc ri rỉ trước khi ngủ do giun kim bò ra hậu môn gây ngứa.
- Trẻ bị viêm đường tiểu khóc khi đi tiểu, lỗ niệu đạo sưng đỏ, có thể có mủ.
- Trẻ bị đau miệng do niêm mạc miệng tổn thương thường khóc thét mỗi khi ngậm ti mẹ, không chịu bú.
- Trẻ bị mọc mụn thường khóc thét, chân tay quờ quạng khắp nơi
- Trẻ bị đau hậu môn thường khóc sau khi đi ị.
Bé quấy khóc mẹ phải làm gì?
- Trước hết, mẹ cần bình tĩnh xem xét vấn đề xem bé khó chịu ở đâu, chắc chắn bé khó chịu thì bé mới khóc, nên nhẹ nhàng dỗ bé.
- Khi cảm thấy hoảng sợ, bất an, bé khóc thét. Lúc này, điều bé cần nhất là một cái ôm của cha mẹ. Hãy nhẹ nhàng ôm lấy bé và động viên bé đừng sợ. Khi đã thật sự bình tĩnh trở lại, bé sẽ có cảm giác an toàn và không khóc nữa.
- Mẹ chú ý nếu bé thường xuyên quấy khóc vào một thời điểm nhất định trong ngày và cha mẹ có thể sắp xếp, hãy cân nhắc thời gian đó dành riêng cho bé.
- Khi bé quấy khóc liên tục và việc dỗ trẻ bất thành, chắc chắn tâm trạng của cha mẹ sẽ rất tệ, thậm chí cha mẹ có thể stress nặng. Lúc này, cha mẹ hãy bình tĩnh ôm lấy bé, đặt bé ở nơi an toàn và ra ngoài khoảng 10 phút để lấy lại tinh thần. Sau 10 phút, khi tâm trạng đã ổn hơn, cha mẹ hãy quay lại tiếp tục trấn an bé
- Khi cảm thấy bé có nhiều biểu hiện bất thường như khóc thét tím tái, co giật, hãy đưa bé tới bệnh viện gần nhất.
Tiếng khóc là một trong những nỗi ám ảnh của bà mẹ sau sinh. Khi không có sự chia sẻ từ người thân, tiếng khóc của con gây áp lực cực lớn lên người mẹ. Vì vậy, việc bình tĩnh đọc vị tiếng khóc của bé chính là chìa khóa giải quyết vấn đề này.
0 Nhận xét